14/7/16

Những bệnh hô hấp thường gặp vào mùa hè

Vào mùa hè, chúng ta cần biết cách phòng ngừa các bệnh đường hô hấp thường gặp nhất là Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm...

Những bệnh đường hô hấp phổ biến vào mùa hè

Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm, các loại vi khuẩn, vi trùng có cơ hội sinh sôi và truyền bệnh nhiều hơn. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cùng nhiệt độ cao khiến cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém đi, mồ hôi ra nhiều tăng nguy cơ mất nước... dẫn đến sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Điều này làm cho cơ thể chúng ta khó chống chọi được với các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp.

Các bệnh đường hô hấp là nhóm bệnh rất phổ biến và dễ tái phát trong năm do mũi, họng là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Vào mùa hè, chúng ta cần cảnh giác với các bệnh đường hô hấp thường gặp nhất là Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm...



- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bao gồm viêm phế quản mạn, khí phế thũng và hen phế quản không phục hồi. Người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gặp các triệu chứng như: Ho, khạc đờm, khó thở, thở ra với môi móm lại để làm chậm lại luồng khí thở ra để có thể làm vơi phổi... Hút thuốc lá; Tiếp xúc nhiều với khói bụi, hóa chất; Nhiễm khuẩn... làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

- Viêm phổi: Viêm phổi là tình trạng viêm thường do nhiễm trùng vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng... Mặc dù những đối tượng mắc bệnh mãn tính hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn nhưng bệnh cũng có thể gặp ở trẻ em hay người khỏe mạnh, phát triển từ nhẹ đến nặng và đe dọa tính mạng.

Triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể khác nhau tùy người nhưng phổ biến nhất vẫn là: Sốt, ho, khó thở, ra mồ hôi, ớn lạnh, đau ngực, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi...

- Cảm cúm: Cảm cúm là bệnh do lây truyền virus qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, nước mũi/đờm của người bệnh. Trẻ em dễ bị bệnh này khi thời tiết thất thường, quá nóng hoặc quá lạnh... Khi bị cảm cúm, người bệnh thường có triệu chứng sốt, đau cơ, ho khan, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu, mệt mỏi...

- Viêm phế quản cấp: Bệnh này thường gặp nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi hoặc người cao tuổihoặc do thời tiết thay đổi thất thường. Biểu hiện của bệnh là khó thở, hơi thở nặng nhọc, giọng khò khè, ho nhiều, có đờm...

Phòng ngừa bệnh hô hấp là việc hết sức cần thiết, nhất là trong mùa hè

Mặc dù chúng ta rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp trong mùa hè nhưng không phải không có biện pháp phòng ngừa. Để phòng bệnh tốt nhất, chúng ta cần lưu ý cả về môi trường xung quanh lẫn thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, vận động của mình.

- Đảm bảo môi trường thoáng mát, tránh để tích tụ rác thải, nước thải tù đọng tạo điều kiện cho vi trùng, nấm mốc, muỗi phát triển. Lau sạch các vật dụng

- Mặc quần áo mát mẻ, thoáng, thấm hút mồ hôi để tránh mồ hôi dính lại trên người khiến vi trùng phát triển nhiều hơn và cũng tránh làm cho thân nhiệt giảm, dễ dẫn đến cảm lạnh dù đang là mùa hè.

- Ngủ trong phòng thoáng, nhiệt độ mát, độ ẩm tốt để thuận lợi cho việc hô hấp, hạn chế tình trạng khô mũi họng do độ ẩm trong phòng thấp, dẫn đến mất nước trong cơ thể.

- Ăn uống đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả... để cung cấp đủ nước cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng.

- Giữ vệ sinh thân thể bằng cách: Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt là khi không may chạm vào bề mặt bị ô nhiễm với các chất tiết đường hô hấp (nước bọt, đờm...); Súc miệng nước muối sáng, tối để bảo vệ họng; Tránh chạm vào mắt, mũi, miệng để giảm lượng vi trùng xâm nhập vào cơ thể.


- Không dùng chung đồ dùng cá nhân (bát đũa, bàn chải đánh răng, khăn mặt...) với bất kì ai, nhất là những người có nguy cơ bị bệnh. Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.

- Chuẩn bị sẵn đồ dùng, vật dụng, thuốc men... trong nhà để sẵn sàng đối phó với bệnh bất cứ khi nào. Ngoài các loại rau củ quả, thức ăn để bổ sung dinh dưỡng, gia đình nào cũng cần chuẩn bị sẵn các loại thuốc cần thiết để còn sử dụng kịp thời, đặc biệt là các loại thuốc hạ sốt. Trong trường hợp bị bệnh đường hô hấp có triệu chứng sốt cao, người bệnh cần được tiến hành hạ sốt kịp thời để tránh sốt cao, ảnh hưởng đến não bộ, gây co giật, hôn mê... Có thể hạ sốt cho người bệnh bằng cách cho mặc quần áo thoáng, lau người bằng nước ấm kết hợp dùng thuốc hạ sốt. Với trẻ em, việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ không đơn giản vì không phải trẻ nào cũng hợp tác. Vì vậy, tốt nhất, cha mẹ nên lựa chọn loại thuốc có tác dụng giảm sốt mà dễ uống đối với trẻ.

Chuẩn bị sẵn đồ dùng, vật dụng, thuốc men... trong nhà để sẵn sàng đối phó với bệnh bất cứ khi nào
- Hạn chế đến nơi đông người, nhất là những khu vực có dấu hiệu bệnh.

- Tập thể dục, vận động hàng ngày, kết hợp với ngủ đủ giấc để tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng, miễn dịch, phòng ngừa bệnh.

Xem thêm : 


Nguồn : afamily.vn