12/12/17

Tại sao nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ cao hơn ở nam?

nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ

Nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ cao hơn ở nam giới. Bởi trong cuộc sống phụ nữ phải đối mặt với nhiều stress, áp lực, căng thẳng hơn nam giới. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng trên. Hãy tham khảo bài viết sau đây để biết rõ hơn nhé.


Nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ cao hơn nam giới


Ngày Sức khỏe thế giới năm 2017 được tổ chức vừa qua với chủ đề "Hãy cùng nói chuyện để phòng, chống trầm cảm" đủ để nói lên thực trạng của căn bệnh trầm cảm tại Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp.

nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ 1


Ông Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, theo thống kê trong năm 2015, tại Việt Nam có hơn 3,5 triệu người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số. Trong đó, 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc trầm cảm cao đó là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh, người có tuổi. Đặc biệt,  tỷ lệ nữ giới bị trầm cảm thường cao hơn đàn ông.

Cũng theo ông Lokky Wai, kết quả nghiên cứu năm 2008 ở Việt Nam, gánh nặng bệnh tật do trầm cảm đo bằng DALY (số năm sống điều chỉnh theo mức độ bệnh tật) chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nữ giới. Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật ở nữ giới chiếm tới 29% đo bằng YLD (tổng số năm sống với khuyết tật do mọi nguyên nhân). Với nam giới, trầm cảm là nguyên nhân thứ hai gây ra gánh nặng tàn tật và chỉ chiếm 11% đo bằng YLD.

Trầm cảm gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm sinh lý học và thường xảy ra ở những người bị stress sau khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống như thất nghiệp, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, mâu thuẫn gia đình, thất bại trong học tập hoặc sau khi mắc một số bệnh nặng như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ.


Những biểu hiện cho thấy trầm cảm ở phụ nữ phổ biến hơn ở đàn ông


So với nam giới, ở phụ nữ có khuynh hướng xuất hiện nhiều triệu chứng trầm cảm hơn, cường độ triệu chứng nặng nề hơn và thường cảm thấy suy sụp hơn. Những triệu chứng thường xuất hiện ở phụ nữ như rối loạn giấc ngủ, vận động hay suy nghĩ chậm chạp, cảm giác bản thân mình vô giá trị hay nhiều tội lỗi, lo âu hoặc các triệu chứng cơ thể. Còn những triệu chứng không điển hình của trầm cảm như ngủ nhiều, ăn nhiều, thèm ngọt và tăng cân cũng thường hay xuất hiện ở phụ nữ hơn. Vì vậy, tỉ lệ phụ nữ có ý định tự tử cao gấp 3 lần so với nam giới nhưng tỉ lệ tử vong thật sự lại thấp hơn vì họ thường được cứu sống hơn.

Tỉ lệ rối loạn lo âu và rối loạn ăn uống kết hợp với trầm cảm ở phụ nữ cũng cao gấp 2 lần so với nam giới. Một số công trình nghiên cứu còn cho thấy trầm cảm ở phụ nữ có khuynh hướng kéo dài mãn tính và xuất hiện nhiều lần hơn. Trầm cảm mãn tính tác động đến phụ nữ trầm trọng hơn so với nam giới do tuổi phát bệnh thường sớm hơn, bệnh thường nặng hơn, suy giảm các mặt chức năng nhiều hơn, nhất là trong lãnh vực hôn nhân và gia đình.

Lý do khiến phụ nữ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm


Những nghiên cứu xuyên quốc gia đã cho thấy, tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ cao hơn nam giới tại bất cứ thời điểm nào. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự khác biệt về cuộc sống xã hội cũng như yếu tố sinh học của nam giới và phụ nữ.

nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ 2


Nghiên cứu chỉ ra rằng, căng thẳng xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm và phụ nữ thường trải qua nhiều stress, áp lực, căng thẳng hơn nam giới.

Một số sự kiện có thể gây căng thẳng trong cuộc sống, điển hình như: Kết hôn, ly hôn, ly thân, chấn thương, bệnh tật, bị sa thải hoặc nghỉ hưu... Phụ nữ có xu hướng “ngẫm nghĩ” về những sự kiện, vấn đề tiêu cực nhiều hơn nam giới. Sự nghiền ngẫm này khiến tình trạng căng thẳng, trầm cảm ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Để phòng ngừa mắc bệnh trầm cảm, hãy có một chế độ sinh hoạt, lối sống lành mạnh. Song song đó áp dụng chế độ nghỉ ngơi thích hợp, các biện pháp thư giãn như tập thể dục thể thao, nghe nhạc, xem phim, hít thở sâu...